Khủng hoảng khí hậu đe dọa thế giới
- Cập nhật: Thứ ba, 3/12/2019 | 9:43:26 Sáng
Thời tiết cực đoan và các vụ cháy rừng tồi tệ hơn đã khiến hơn 20 triệu người rời bỏ nhà cửa mỗi năm trong giai đoạn 2008-2018
Hội nghị Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP 25) khai mạc tại thủ đô Madrid - Tây Ban Nha hôm 2-12 và dự kiến kéo dài trong 2 tuần, thu hút hàng chục ngàn đại biểu đến từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khoảng 50 nhà lãnh đạo dự kiến tham gia hội nghị này nhưng không có mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt hậu quả, tác động ngày càng nghiêm trọng của các thảm họa cháy rừng, bão lũ, hạn hán chưa từng có. Theo thống kê, 18/19 năm nóng nhất từng được ghi nhận xuất hiện trong thế kỷ này. Trong số này, năm 2019 được dự báo là nóng nhất.
Phát biểu trước thềm hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo nhân loại đang đối mặt một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và đang tiến gần tới "điểm không thể cứu vãn" trong cuộc khủng hoảng này.
Cũng theo ông Guterres, những tác động tàn phá của tình trạng ấm lên toàn cầu đe dọa loài người là sự đáp trả của thiên nhiên khi bị tấn công. "Các thảm họa liên quan đến khí hậu xảy ra thường xuyên hơn, gây nhiều thương vong hơn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn" - ông Guterres nhận định.

Các nhà khoa học cũng không ngừng phát đi cảnh báo về thiệt hại ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu. Báo cáo mới nhất của LHQ hôm 26-11 chỉ ra rằng cam kết của các quốc gia về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết để ngăn nhiệt độ tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong khi đó, tổ chức từ thiện Oxfam (Anh) hôm 2-12 cho biết thời tiết ngày càng cực đoan và các vụ cháy rừng tồi tệ hơn đã khiến hơn 20 triệu người rời bỏ nhà cửa trên thế giới mỗi năm trong giai đoạn 2008-2018. Đáng chú ý, theo báo cáo mới của Oxfam, khoảng 80% số người trong số này sống tại châu Á. Ngoài ra, số lượng thảm họa thời tiết bị xem là cực đoan đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn này. Theo Oxfam, vấn đề này dự kiến trở nên tồi tệ hơn trừ khi các nhà lãnh đạo hành động nhanh chóng để đối phó các mối đe dọa đang tăng liên quan đến biến đổi khí hậu. Tổ chức này đặc biệt nhấn mạnh tình trạng thiên tai xảy ra liên tiếp khiến nhiều nước nghèo không kịp phục hồi trước khi phải đối mặt những thiên tai khác.
Các tin khác

Thay vì màu nâu như thường lệ, mực nước sông Mê Kông đã giảm xuống và chuyển sang màu xanh lục, trông thơ mộng hơn. Tuy nhiên, truyền thông địa phương lại cho rằng, đó là dấu hiệu đáng lo ngại.

Nhóm các nước chịu nhiều nguy cơ từ biến đổi khí hậu cùng ra thông cáo kêu gọi các nước công nghiệp hãy hành động, trước cuộc đàm phán quan trọng về biến đổi khí hậu.

Tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã giành giải Nobel Hòa bình nhờ những nỗ lực đàm phán hòa bình với Eritrea. Nhưng đất nước của ông vẫn đang trong một cuộc tranh chấp lớn khác đe dọa sự ổn định khu vực.